"SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC" - ĐỀ CƯƠNG MỘT CUỘC CHỈNH ĐỐN VĨ ĐẠI! (P1)

Chủ nhật - 15/10/2023 21:04 838 0
BÁC HỒ
BÁC HỒ
Không nhiều về số trang nhưng tác phẩm đặt ra những vấn đề rất lớn của cách mạng, của đảng cầm quyền, đặt trong bối cảnh những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp cực kỳ gay go, thiếu thốn, ác liệt, soi dưới ánh sáng văn hóa mới mẻ nhất của nhân loại hôm nay càng thấy tầm vóc thiên tài của tác giả.
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết xong tháng 10/1947, tác giả ký tên X.Y.Z. được Nhà xuất bản Sự thật in lần đầu năm 1948, dày 100 trang. Năm 1959 Nhà xuất bản in lại, tác giả ký tên thật là Hồ Chí Minh. Năm 2011, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia in trong bộ Hồ Chí Minh toàn tập (15 tập), tập 5, dày 77 trang(1). Không nhiều về số trang nhưng tác phẩm đặt ra những vấn đề rất lớn của cách mạng, của đảng cầm quyền, đặt trong bối cảnh những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp cực kỳ gay go, thiếu thốn, ác liệt, soi dưới ánh sáng văn hóa mới mẻ nhất của nhân loại hôm nay càng thấy tầm vóc thiên tài của tác giả. Bài viết xin được triển khai từ ba phương diện cơ bản: “Sửa đổi lối làm việc” cho hợp với bản chất thời đại dân chủ; “Sửa đổi lối làm việc” của đảng lãnh đạo, của đảng viên, cán bộ; “Sửa đổi lối làm việc” theo tư duy của dân, vì dân.
I. “SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC” CHO HỢP VỚI BẢN CHẤT THỜI ĐẠI DÂN CHỦ
Lối làm việc là phong cách, lề lối, cách thức làm việc. Ở bất cứ xã hội nào, thời đại nào thì lối làm việc cũng nói một cách rõ nhất bản chất thời đại ấy. Vì qua cách làm việc sẽ cho thấy đạo đức công vụ cũng như đạo đức đảng cầm quyền, cho thấy hiệu quả và mục đích công việc. Cách mạng Tháng Tám là một cuộc cách mạng triệt để nhất đổi thay cách làm việc từ lề lối phong kiến quan liêu, phi dân chủ sang lề lối làm việc vì dân, cách mạng. Nhưng sự ảnh hưởng từ xã hội cũ còn rơi rớt tất yếu chưa được gột bỏ, đất nước lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ vô cùng khó khăn. Lề lối làm việc từ Trung ương đến địa phương, từ lãnh đạo cao nhất đến cán bộ gần dân nhất cũng tất yếu chưa theo kịp với yêu cầu của nhiệm vụ và cuộc sống kháng chiến. Vì lẽ này Hồ Chí Minh ký bút danh khi viết Sửa đổi lối làm việc với cái ý ai cũng cần “sửa đổi”, kể cả lãnh đạo cao nhất. Ngay việc làm này đã cho thấy một tinh thần dân chủ, khoa học, bình đẳng của tác phẩm!
Bác dùng chữ rất giản dị nhưng rõ ràng, dễ hiểu, “sửa đổi” nghĩa là phải sửa lại, đổi thay lối làm việc, ai cũng có thể làm được. Nếu viết “Cách mạng lối làm việc” thì to tát quá và cũng không đúng với bản chất vấn đề vì Nhà nước mới đã ra đời 2 năm, tức lối làm việc mới đã có 2 năm rồi. Thế nên dùng “sửa đổi” là đúng nhất, lối làm việc mới đã có rồi nhưng nay phải sửa lại, đổi thay cho phù hợp.
Có thể coi tác phẩm là một đề cương mẫu cho các cuộc chỉnh đốn Đảng sau này.
1. Thời đại dân chủ lấy dân làm gốc.
Cả cuộc đời Bác Hồ đau đáu, thao thức một chữ DÂN, từ khi đi tìm đường cứu nước cho đến khi về với Các Mác, Lênin. Khi còn hoạt động ở Pháp, trên báo Le Paria số 4, ngày 1/7/1922, trong nguyên bản tiếng Pháp bài báo Thù ghét chủng tộc tác giả dùng hai chữ “con gái” bằng tiếng Việt(2). Trên báo L’Humanité ngày 17/8/1922, trong nguyên bản bài Dưới sự bảo hộ của… các chữ “nhà quê”, “Quan lớn”, “lính lệ” viết bằng tiếng Việt(3). Trong truyện Vi hành chữ “dân” viết bằng tiếng Việt. Đặc biệt hai chữ “nhà quê” được tác giả đều viết bằng tiếng Việt trong các văn bản tiếng Pháp. Không phải là trong tiếng Pháp không có từ tương ứng mà tác giả có dụng ý hẳn hoi. Có thể là từ ấy quen với người Pháp ở An Nam, ví dụ hai chữ “con gái” thường xuất hiện trong các bài báo tiếng Pháp là do người Pháp nuôi những thiếu nữ người Việt vừa để hầu hạ vừa làm trò chơi, họ gọi những người này bằng âm tiếng Việt. Hai chữ “nhà quê” thì mang sắc thái biểu cảm rõ ràng, trong văn cảnh cụ thể thì có thể đó là sắc thái mỉa mai những tên thực dân khinh thường dân An Nam thuộc địa hoặc có thể là tâm trạng xót xa của người viết trước cảnh đồng bào mình bị bóc lột tàn tệ… Các chữ ấy là cách viết khác của chữ DÂN. Sau này khi là Chủ tịch nước, Bác nhắc cán bộ: “Các chú nên nhớ rằng Bác làm Chủ tịch, Chủ tịch cũng là đầy tớ của nhân dân, phải phục vụ nhân dân vô điều kiện”(4). Trong Sửa đổi lối làm việc nổi bật lên 3 chân lý:
Một là, “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt”.
Hai là, “Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng”. “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”.
Ba là, “Lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng”. “Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được”.
Đây là ba cột chống vững chãi: tình cảm của dân, trí tuệ của dân, sức mạnh của dân để nâng đỡ tòa tháp dân chủ. “Ý tại ngôn ngoại” của vấn đề còn thật rộng dài, sâu sắc: Người Việt “trọn nghĩa vẹn tình”, tôn thờ đạo Hiếu, Đảng cũng từ dân mà ra, nhờ dân giúp đỡ mà thành công... Đảng, Chính phủ, cán bộ phải ứng xử thế nào cho tương xứng với lòng tốt của dân, với truyền thống dân tộc. “Dân chúng rất khôn khéo...” nên phải gần dân để học hỏi dân, nhờ dân chỉ bảo. “Lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng” nên phải biết dựa vào dân, tận dụng sức dân, phát huy sức mạnh của dân. Có thể khái quát lại thành nguyên lý: muốn thành công phải gần dân, yêu dân, học dân, vì dân!
2. Đảng, Chính phủ, cán bộ đảng viên phải làm gì?
Trả lời một cách rõ ràng câu hỏi này chính là mục II. Mấy điều kinh nghiệm, nổi bật lên cái ý về tính mục đích của Đảng, Chính phủ: “vì ai mà làm”, “vì ai mà chịu trách nhiệm”. Câu trả lời đúng nhất là: “Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Vì vậy, ngay luận điểm đầu tác giả nêu kinh nghiệm “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong”. Cán bộ thay mặt Đảng, Chính phủ làm việc với dân nên nếu cán bộ dốt, cán bộ xấu thì đường lối Đảng, chỉ thị của Chính phủ bị uốn cong, tốt thành xấu. Thế nên tác giả khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Chọn, huấn luyện, sử dụng cán bộ thế nào, tác giả lại dành hẳn một mục lớn - mục IV. Vấn đề cán bộ.
Với Đảng, cố nhiên quan trọng nhất là “cách lãnh đạo”, nhưng “chẳng những phải lãnh đạo quần chúng, mà lại phải học hỏi quần chúng”. Tác giả nhấn mạnh nhiều lần cái ý: Đảng từ trong quần chúng mà ra rồi lại “về sâu trong quần chúng” tức phải hiểu dân để phục vụ dân. Mọi chính sách, nghị quyết phải căn cứ vào tình hình của dân, làm theo ý dân chứ không phải theo ý chủ quan của mình. Nếu cứ chủ quan thì là cách làm “khoét chân cho vừa giầy”. Phải có một tài năng khái quát mới có một hình tượng, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ này: “Chân là quần chúng. Giầy là cách tổ chức và làm việc của ta. Ai cũng đóng giầy theo chân. Không ai đóng chân theo giầy”. Còn bật ra một ý: Đảng ta cũng mang sứ mệnh như cái giầy biết bảo vệ, nâng đỡ giúp chân quần chúng đi đứng nhanh nhẹn, vững vàng, an toàn hơn!
Quan niệm của Bác về quan hệ “Dân” và “Chính phủ” để “thực hành dân chủ” hết sức biện chứng: “Chính phủ Cộng hoà Dân chủ là gì? Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi(5). Chỉ mấy câu ngắn nhưng ba lần Bác nhắc lại hai chữ “đày tớ” để nhấn mạnh tới bổn phận của Chính phủ. Hai lần Bác nhắc lại hai chữ “phê bình” là nói về trách nhiệm của dân. Dân yêu Chính phủ thì phải phê bình đúng đắn, nghiêm túc (chứ không phải “chửi” một cách vô nguyên tắc) để Chính phủ tiến bộ. Lời dạy ấy hôm nay cố gắng làm sao thấm nhuần đến tận mỗi cán bộ, mỗi người dân!
(Còn tiếp)
PGS. TS. NGUYỄN THANH TÚ
_________________
(1) Các dẫn chứng trong bài viết, nếu không chú thích đều lấy từ tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” in trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.5, từ tr.269 đến 346.
(2) (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.1, tr 103, 121.
(4) Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ - Văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh. Nxb, Hội Nhà văn, H, 2010, t.1, tr.226.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.75.
Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo

Nguồn tin:  Facebook: Khát vọng Hớn Quản:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay815
  • Tháng hiện tại6,446
  • Tổng lượt truy cập341,652
dvcqgian
dvc bp
hu hq
qlvb hq
PHÁP ĐIỂN
face book
face tu hao bp
Văn bản mới

Văn bản - Chỉ đạo điều hành

46

Thông báo Về việc công khai hồ sơ đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất

lượt xem: 26 | lượt tải:20

27438

ĐÊ ÁN SẮP XÊP ĐON VỊ HÀNH CHÍNH HUYỆN, XÃ GIAI ĐOẠN 2023-2025

lượt xem: 31 | lượt tải:27

27438

Tổ chức lấy ý kiến cử tri đối với Đề án mở rộng địa giới hành chính thị xã Bình Long làm cơ sở sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Bình Phước và điều chỉnh địa giới hành chính một số xã, phường thuộc thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước

lượt xem: 39 | lượt tải:19

05

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI ĐỘNG VẬT NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN XÃ MINH ĐỨC

lượt xem: 65 | lượt tải:13

09

KẾ HOẠCH PHONG TRÀO TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA" VÀ CUỘC VẬN ĐỘNG ĐỘNG "NGƯỜI BÌNH PHƯỚC NÓI LỜI HAY LÀM VIỆC TỐT NĂM 2024

lượt xem: 46 | lượt tải:15
facebook minh duc
Nông thôn mới
đường dây nóng
hỏi đáp
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây