Sự hình thành và phát triển

Minh Đức quá trình hình thành và phát triển.
Trụ sở UBND xã Minh Đức
Lịch sử khai hoang lập địa của Minh Đức được gắn liền với đồng bào Xtiêng. Không ai nhớ rõ thời điểm những đồng bào Xtiêng đầu tiên đến đây sinh sống. Đến thời Pháp thuộc vùng đất Minh Đức hôm nay được khai phá trồng cao su. Thời kỳ đầu chưa có thiết chế tổ chức hành chính cấp xã như hiện nay mà chỉ gọi là Làng 5, Làng 7, Làng 8... Những người đến Minh Đức sinh sống tập trung trong các làng đó. Mùa mưa họ khai phá bưng bàu để trồng lúa nước, lúa rẫy; mùa khô họ kiếm sống bằng cách săn bắn thú rừng hoặc hái lượm hoa quả, rau rừng, sản xuất theo mùa vụ hoặc tập quán của mỗi dân tộc.

Trải qua các thời kỳ lịch sử hình thành và phát triển, từ một vùng đất hoang vu, từ chỗ chưa có tên trên bản đồ, nhiều lần bị thực dân Pháp, đế quốc Mỹ tàn phá, nhưng vẫn đứng vững, sự sống vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở để ngày nay trở thành vùng đất trù phú phía Tây Bắc của huyện Hớn Quản. Minh Đức từ thời xa xưa là vùng rừng rậm, với nhiều loại gỗ quý hiếm như giáng hương, gõ, gia đá,... và nhiều loài thú như voi, hổ, báo, hươu, nai; cư dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số Xtiêng, Khơme với lối sống du canh du cư, đến khai phá lập lên các cộng đồng dân cư và được gọi là sóc. Địa điểm được chọn làm nơi sinh sống và sản xuất phần lớn tập trung ở các triền bưng, ven các con suối để thuận tiện về nguồn nước và họ lấy đó để đặt cho tên sóc của mình như Sóc Ruộng, Sóc Bình Ninh, Sóc Vàng, Sóc Thum, Sóc Lộc Khê, sóc Đồng Nơ.
Thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn chia Nam bộ thành 6 tỉnh (còn gọi là Nam Kỳ lục tỉnh), vùng Minh Đức hôm nay (khi đó còn chưa có tên gọi) thuộc tỉnh Biên Hòa. Từ đầu năm 1859 đến năm 1867, sáu tỉnh Nam Kỳ lần lượt bị thực dân Pháp xâm chiếm. Ngày 5 tháng 01 năm 1876, Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp tại Nam Kỳ ra Nghị định phân chia Nam Kỳ thành 4 khu hành chính là Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bát Xác. Mỗi vùng lại chia nhỏ thành nhiều khu hành chính thường được gọi là hạt. Minh Đức khi đó nằm trong hạt Thủ Dầu Một, vùng Sài Gòn.
          Không chịu khuất phục trước sự cai trị, đàn áp của thực dân, phong kiến, một số dân cư người Kinh từ Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một bỏ làng ra đi, theo dọc Lộ 13, khi đó chỉ là con đường mòn nhỏ, lên vùng Hớn Quản khai phá đất rừng để lập nghiệp, sinh sống cùng với đồng bào dân tộc bản địa dần dần hình thành lên một số làng, trong đó có làng Tân Lập Phú, Tân Quang, Tân Khai.
Ngày 20 tháng 12 năm 1899, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định quy định kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1900, tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh ở Đông Dương, trong đó có các hạt ở Nam Kỳ đều thống nhất gọi là tỉnh. Từ sau năm 1900, thực dân Pháp mới thiết lập một cấp trung gian giữa tỉnh và tổng, gọi là đại lý hành chính hay đồn hoặc bót hành chính. Mỗi đại lý hay đồn, bót gồm một số tổng, mỗi tổng gồm một số xã. Một thời gian sau đơn vị hành chính trung gian giữa tỉnh và tổng, được gọi chung là quận. Vùng Minh Đức ngày nay, khi đó nằm trong quận Hớn Quản, là một bộ phận thuộc xã Tân Khai, tổng Tân Minh.
Năm 1908, trong quá trình khai thác thuộc địa thực dân Pháp mở rộng các đồn điền, Công ty cao su Đất Đỏ ra đời, đặt trung tâm tại Quản Lợi, bao gồm nhiều đồn điền ở Xa Cam, Xa Cát, Xa Trạch, trong đó có đồn điền Xa Cát nằm trên địa phận Minh Đức, Sau này, chúng lập thêm nhiều công ty khác và đồn điền Xa Cát trực thuộc Công ty Cao su nhiệt đới (Tropical). Chúng tiến hành tuyển mộ dân phu là những nông dân nghèo đói từ các tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Thủ Dầu Một. Khoảng những năm 1920 đến 1929, chúng tuyển mộ phu cao su là những nông dân nghèo khổ từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa v.v... đưa đến các đồn điền cao su Xa Trạch, Sóc Tranh, Xa Cam, Xa Cát. Lúc đầu Minh Đức chưa có thiết chế tổ chức xã mà chỉ gọi theo miền Bắc, gồm 8 làng chủ yếu là gia đình công nhân làm phu và các sóc đồng bào dân tộc Xtiêng.
Cuối năm 1946, thực dân Pháp vi phạm Hiệp định sơ bộ mà Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa mới ký kết với Chính phủ Pháp, quay trở lại tái chiếm Nam bộ. Cũng năm 1946, quân Pháp tái chiếm toàn bộ khu vực Minh Đức, chúng thực hiện “giết sạch, đốt sạch, phá sạch, nhân dân phải chạy vào rừng dựng lán trại ở xã An Long, An Linh, phát rẫy làm nhà, thành lập những đội du kích và tiếp tục đấu tranh với kẻ thù.
Về phía chính quyền cách mạng, tháng 5 năm 1951, theo Quyết định của Trung ương cục, tỉnh Thủ Biên được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Biên Hòa và Thủ Dầu Một. Minh Đức vẫn là một bộ phận của xã Tân Khai thuộc Hớn Quản, tỉnh Thủ Biên.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, nhân dân từ vùng căn cứ kháng chiến lại trở về làng cũ tiếp tục khai hoang, phát rẫy, dựng nhà ở. Năm 1955, để thuận tiện cho việc quản lý, chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập xã Minh Đức trên cơ sở tách ra từ xã Tân Khai. Toàn xã lúc này có 8 làng người kinh (từ Làng 1 đến Làng 8) và các sóc dân tộc Xtiêng gồm có sóc Vàng, Sóc 6, trong đó sóc Ruộng,  sóc Lộc Khê nằm kế trung tâm xã, sóc Đồng Nơ nằm sát lộ đỏ đi về xã Minh Hòa (xã Đồng Nơ ngày nay), sóc Ruộng, sóc Bình Ninh.
Tháng 10 năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm chia tách một số vùng ở phía bắc của hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa để lập hai tỉnh mới là Bình Long và Phước Long. Theo Nghị định số 4 ngày 03 tháng 01 năm 1957 của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa thì tỉnh Bình Long bao gồm 2 quận An Lộc và Lộc Ninh. Xã Minh Đức lúc này vẫn thuộc quận An Lộc.
Ngày 22 tháng 10 năm 1956, để kiện toàn bộ máy hành chính, phục vụ cho chính sách cai trị của tập đoàn bán nước họ Ngô, đứng đầu là tổng thống ngụy quyền Ngô Đình Diệm, đã ban hành Sắc lệnh số 143/NV thành lập tỉnh Bình Long, lúc này tỉnh Bình Long có 2 quận là An Lộc và Lộc Ninh. Quận An Lộc bao gồm 21 xã, xã Minh Đức  thuộc quận An Lộc. Nhưng đối với chính quyền cách mạng, xã Minh Đức luôn trực thuộc huyện Hớn Quản.
Tháng 10 năm 1961, để phù hợp với tình hình chỉ đạo địa bàn hoạt động tương ứng với phân chia hành chính của chính quyền Sài Gòn, Trung ương Cục Miền Nam chia tách tỉnh Thủ Biên thành lập tỉnh Bình Long gồm 3 quận có phiên hiệu theo số là C45 (Chơn Thành), C55 (Hớn Quản) và C65 (Lộc Ninh), xã Minh Đức thuộc C55.
Đi đôi với việc dồn dân lập trại tập trung, chính quyền Ngô Đình Diệm liên tiếp ban hành Luật 5/57 và Luật 10/59, đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, thực hiện các chiến dịch “Trương Tấn Bửu”, “bình minh”, “sao mai”, “mặt trời mọc”, lê máy chém đi khắp miền Nam và gây lên vụ thảm sát lớn như ở Phú Lợi, lập nhà tù nhiều hơn trường học. Đa số người dân yêu nước phải lánh lên vùng rừng núi trong đó có Minh Đức để sinh sống, cùng người dân bản địa bám đất, bám làng tiếp tục chiến đấu. Cũng có một số người dân Minh Đức tham gia cách mạng đã bị địch bắt, bị tù đầy ở các nhà lao Phú Lợi, Chí Hòa, Côn Đảo.
Đến ngày 27 tháng 01 năm 1966, chính quyền Sài Gòn lại ra Nghị định số 80, sáp nhập xã Tân Khai và một phần đất của xã An Bình thuộc quận An Lộc vào xã Minh Đức. Đồng bào dân tộc luôn kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ với đồng bào người Kinh đấu tranh với kẻ thù.
Trong những năm 1965 – 1967, với chiến thắng của ta ở Đồng Xoài, Bàu Bàng, Củ Chi. Mỹ - Ngụy điên cuồng khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng ở miền Nam, chúng tăng cường dồn dân, ủi đất, đốt phá nhà cửa, ruộng vườn.
Mùa hè năm 1972, quân ta mở Chiến dịch Nguyễn Huệ, một trong các hướng chủ yếu là đường 13, chiến sự xảy ra vô cùng ác liệt, địch dùng máy bay ném bom và pháo kích hủy diệt. Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, Đảng ủy xã Minh Đức đã lãnh đạo đưa nhân dân sơ tán sang cư trú tại Cà Chay – Mi Mốt (Campuchia). Tháng 8 năm 1972 tỉnh quyết định thành lập xã lấy tên là liên xã giải phóng gồm nhân dân của hai xã Minh Đức, Thanh Bình. Khi Hiệp định Pari năm 1973 được ký kết, cuối tháng 2 năm 1973, chi bộ tổ chức đưa dân về Cầu Trắng, xã Lộc Hiệp huyện Lộc Ninh (nay thuộc huyện Bù Đốp).
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chi bộ đưa nhân dân hồi hương về xã. Xã Minh Đức lúc này gồm 5 làng, từ làng 4 đến làng 8, còn làng 1, làng 2 và làng 3 (tức ấp Đức Vĩnh 1, Đức Vĩnh 2 và Đức Vĩnh 3 cũ) được nhập vào xã Thanh Bình. Thực hiện chủ trương phân bố lao động của Đảng, xã Minh Đức cũng tiếp nhận nhân dân từ một số tỉnh đi xây dựng vùng kinh tế mới và các hộ dân lưu trú ở Cầu Trắng (Lộc Hiệp - Lộc Ninh) lại trở về làng cũ sinh sống. Năm 1976, xã Minh Đức được chia tách, thành lập thêm xã mới Đồng Nơ trên cơ sở diện tích sóc Đồng Nơ của Minh Đức và một phần diện tích của xã Tân Khai.
Ngày 11 tháng 3 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 56-CP về hợp nhất và điều chỉnh địa giới một số huyện thuộc tỉnh Sông Bé, hợp nhất huyện Lộc Ninh, huyện Hớn Quản, huyện Chơn Thành thành huyện Bình Long, từ đây xã Minh Đức thuộc huyện Bình Long.
Ngày 20 tháng 02 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Bình Long tách thành hai huyện Bình Long và Chơn Thành. Theo Nghị định này, xã Minh Đức thuộc huyện Bình Long tỉnh Bình Phước.
Ngày 28/3/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2007/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường để thành lập xã, phường thuộc các huyện Bình Long, Phước Long, Bù Đăng và thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Theo Nghị định này, xã Minh Đức được chia thành 2 xã là xã Minh Đức và xã Minh Tâm trên cơ sở điều chỉnh 7.369 ha diện tích tự nhiên và 5.132 nhân khẩu của xã Minh Đức.
Ngày 11/8/2009 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35-NQ/CP về việc chia tách huyện Bình Long, thành lập thị xã Bình Long, đổi tên huyện Bình Long thành huyện Hớn Quản, Theo Nghị định này, xã Minh Đức thuộc huyện Hớn Quản.
Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta càng tự hào về mảnh đất và con người Minh Đức, họ luôn có sẵn trong mình truyền thống yêu nước, trung thành với Đảng, với cách mạng. Qua các thời kỳ lịch sử, ngay cả khi phải sống trong vòng kìm kẹp của kẻ thù hay bị bom đạn tàn phá khốc liệt, phải rời bỏ quê hương, xứ sở để tránh sự khủng bố dã man của kẻ thù, thì họ vẫn mang trong mình truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của con người “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Năm 2000, Đảng bộ và nhân dân Minh Đức được phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
                                                                                Trích: Lịch sử đảng bộ xã Minh Đức

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay1,285
  • Tháng hiện tại31,360
  • Tổng lượt truy cập329,623
dvcqgian
dvc bp
hu hq
qlvb hq
PHÁP ĐIỂN
face book
face tu hao bp
Văn bản mới

Văn bản - Chỉ đạo điều hành

46

Thông báo Về việc công khai hồ sơ đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất

lượt xem: 12 | lượt tải:9

27438

ĐÊ ÁN SẮP XÊP ĐON VỊ HÀNH CHÍNH HUYỆN, XÃ GIAI ĐOẠN 2023-2025

lượt xem: 20 | lượt tải:18

27438

Tổ chức lấy ý kiến cử tri đối với Đề án mở rộng địa giới hành chính thị xã Bình Long làm cơ sở sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Bình Phước và điều chỉnh địa giới hành chính một số xã, phường thuộc thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước

lượt xem: 28 | lượt tải:13

05

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI ĐỘNG VẬT NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN XÃ MINH ĐỨC

lượt xem: 40 | lượt tải:6

09

KẾ HOẠCH PHONG TRÀO TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA" VÀ CUỘC VẬN ĐỘNG ĐỘNG "NGƯỜI BÌNH PHƯỚC NÓI LỜI HAY LÀM VIỆC TỐT NĂM 2024

lượt xem: 29 | lượt tải:9
facebook minh duc
Nông thôn mới
đường dây nóng
hỏi đáp
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây