Trước đây chữ ký số được triển khai rộng rãi nhưng vẫn tập trung chủ yếu ở các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp. Tỷ lệ người dân có chứng thư số cá nhân, sử dụng chữ ký số còn rất khiêm tốn, dẫn đến các giao dịch cá nhân còn thực hiện theo phương thức truyền thống trên giấy, gây lãng phí, không đảm bảo tính xác thực. Việc phổ cập chữ ký số cho người dân là một hoạt động ý nghĩa, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công, thủ tục hành chính nhanh và thuận tiện hơn, từ đó sớm hoàn thiện các điều kiện hình thành công dân số trên địa bàn tỉnh.
Chị Lê Thu Hải, kế toán Công ty TNHH MTV năng lượng Minh Hữu Minh Long, phường Minh Long, thị xã Chơn Thành cho biết: TTHC luôn tiêu tốn thời gian của doanh nghiệp. Nhất là khi thực hiện các thủ tục liên quan tới cơ quan nhà nước như nộp thuế, khai báo hải quan, bảo hiểm xã hội… sử dụng chữ ký số đang tối ưu hiệu quả chi phí cũng như nhân lực cho doanh nghiệp.
Sử dụng chữ ký số, tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng thao tác ký, gửi, xử lý các công việc liên quan về mặt chứng từ, pháp lý qua môi trường điện tử. Anh Phạm Minh Châu, nhân viên Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Phòng giao dịch Bình Long, thị xã Bình Long bộc bạch: Qua quá trình sử dụng, tôi đánh giá cao tính xác thực và bảo mật chữ ký số trên thiết bị thông minh. Chúng tôi sử dụng giải pháp này bởi sự nhanh chóng, tiện lợi, đồng thời tăng mức độ bảo mật và an toàn đối với các văn bản, chứng từ trong quá trình giao dịch với khách hàng.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện các đơn vị, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã trong việc ứng dụng chữ ký số vào dịch vụ công trực tuyến, phổ cập chữ ký số cho người dân; đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, đồng thời huy động nguồn lực truyền thông của các doanh nghiệp viễn thông nhằm tạo ra sự đa dạng thông tin giúp người dân tiếp cận chữ ký số.
Ông Lê Tiến Lâm, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Chơn Thành cho biết: Với lợi thế thị xã công nghiệp, lượng người dân đến giao dịch đông, chúng tôi phấn đấu đến cuối năm nay đạt 70% người dân đến giao dịch có chữ ký số cá nhân.
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số
Cùng với định danh điện tử, chữ ký số sẽ giúp người dân thực hiện các giao dịch mà không cần gặp mặt, thúc đẩy kinh tế số, chính quyền điện tử, tiến tới một xã hội không giấy tờ. Việc cấp miễn phí chữ ký số mới chỉ là bước đầu, còn để người dân sử dụng nhiều hơn thì chính quyền, các tổ chức cần cung cấp thêm các tiện ích để việc giải quyết hồ sơ, TTHC trên môi trường điện tử nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Một trong những giải pháp cần làm ngay đó là các nhà mạng, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều cách thức để người dân biết đến sự thuận lợi, tiện ích của chữ ký số, qua đó nâng tối đa tỷ lệ giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến một cách an toàn, hiệu quả. Từ tháng 7/2023, các nhà mạng Viettel, VNPT Bình Phước đã bố trí nhân viên trực tại bộ phận một cửa, văn phòng đăng ký đất đai các cấp để hỗ trợ hướng dẫn cấp chữ ký số cho người dân.
|
Ông Phạm Trọng Hiếu, Giám đốc Phòng bán hàng Bình Long - Hớn Quản, VNPT Bình Phước cho biết: Chúng tôi đặt mục tiêu đến cuối năm nay, mỗi người dân đều được cấp miễn phí chữ ký số để dùng thử trong năm đầu tiên. Giải pháp trước mắt sẽ triển khai cho cán bộ, công chức, hội, đoàn thể… từ đó sẽ triển khai rộng rãi cho người dân.
Hiện tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ của Bình Phước đạt mức xấp xỉ 100%; hồ sơ TTHC xử lý trực tuyến hơn 97%; hồ sơ TTHC thực hiện số hóa cấp tỉnh đạt hơn 98%. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân sử dụng chữ ký số chưa cao. Do đó, mới đây, tại hội thảo chuyển đổi số tỉnh Bình Phước, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh đã yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng tỷ lệ người dân trưởng thành trên địa bàn tỉnh sử dụng chữ ký số cá nhân trong các giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước. Các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục rà soát để chuẩn hóa quy trình giải quyết, cải cách TTHC thành các bước đơn giản, dễ hiểu; thực hiện số hóa và ký số hồ sơ ngay từ khâu tiếp nhận, trả kết quả ký số cho người dân, doanh nghiệp…
Trong một thế giới ngày càng siêu kết nối, nhu cầu giao dịch, truyền tải thông tin trên môi trường điện tử gia tăng, chữ ký số là công cụ cơ bản nhất, là mảnh ghép góp phần hoàn thiện “bức tranh” chuyển đổi số. Đây cũng là chủ trương mà Chính phủ đang thúc đẩy với mục tiêu đến năm 2025, 50% dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân, đến năm 2030 con số này là hơn 70%, theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc đẩy mạnh cung ứng chữ ký số cá nhân sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, giúp người dân tiếp cận nhanh hơn với các dịch vụ số phục vụ đời sống hằng ngày.
Link: https://baobinhphuoc.com.vn/news/502/148439/chu-ky-so-thuc-day-chuyen-doi-so
Tác giả bài viết: Theo Đài PT-TH&Báo Bình Phước
Nguồn tin: binhphuoc.gov.vn
Ý kiến bạn đọc